neet là gì? 6 đặc điểm chung của neet

Bạn đã nghe đến “Otaku” bao giờ chưa? Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ những người quá cuồng về cái gì đó, ví dụ: cuồng game, anime,v.v..Vậy bạn có biết “neet” là gì không?

>> Otaku là gì? 

Trong bài viết lần này, Daruma sẽ giới thiệu về định nghĩa của neet, nguyên nhân trở thành neet, các đặc điểm chung của neetnhững cách để thoát khỏi tình trạng này nhé. Bạn còn chần chừ gì nữa mà lướt xuống ngay nào!

Neet là gì?

Ở Nhật Bản, những người trong độ tuổi 15 đến 34 không đi làm hay đi học thì được gọi là “Neet”. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này như: tổn thương do các mối quan hệ giữa người với người, không tìm được việc làm,v.v.

Điều đáng ngạc nhiên là chỉ có số ít neet thích tình trạng hiện tại, trong khi đó nhiều neet muốn tái hòa nhập lại với xã hội.

>>Xem thêm: 7 đặc trưng của Tsundere

Tại sao nhiều người lại trở thành Neet?

nguyen nhan thanh neet

3 nguyên nhân chính dẫn đến điều này

  • Thất bại trong các mối quan hệ

Trong quá trình làm việc, việc giao tiếp với các đồng nghiệp cũng như với cấp trên là điều không thể thiếu. Nếu không có những mối quan hệ đó, nhiều rắc rối và bất cập sẽ diễn ra. Và hơn hết, chính bản thân chúng ta là một phần trong một tập thể mà không thể giao tiếp với ai thì sẽ cảm thấy cô đơn và bị cô lập, từ đó sẽ dẫn đến một vài vấn đề về tinh thần.

Khi điều này xảy ra, công việc không đơn thuần là công việc nữa, mà sẽ trở thành gánh nặng và áp lực vô hình đè lên đôi vai bạn, khiến bạn không thể chịu nổi và quyết định rời bỏ môi trường đem lại nhiều “đau khổ” đó.

Và một khi các mối quan hệ của bạn có vấn đề, bạn sẽ càng trở nên nhút nhát, ái ngại và sợ hãi mỗi khi giao tiếp hay bắt chuyện với một ai đó. Từ đó, những việc như trao đổi, thuyết trình trước đám đông sẽ khiến bạn cực kỳ căng thẳng. Và điều này thông thường sẽ không dừng lại ở khía cạnh công việc, mà đôi khi còn ảnh hưởng đến việc giao tiếp thông thường. Cuối cùng dẫn đến việc cắt đứt mối quan hệ giữa bản thân và xã hội.

  • Được nhận hỗ trợ tài chính từ ba mẹ

Nếu bạn có phụ huynh bảo bọc quá mức hoặc giàu có và hỗ trợ tài chính cho con cái thì bạn có thể không cần phải làm việc mà chỉ cần “ngồi chơi xơi nước” là được. Và một khi đã quen với môi trường dễ dàng có thứ mình muốn trong tay mà không cần bỏ công sức như vậy thì nhiệt huyết cũng như mục đích để làm việc của bạn sẽ dần biến mất.

Đây chính là nguyên nhân trở thành neet, và nếu cứ tiếp tục nhận hỗ trợ tài chính từ ba mẹ thì bạn sẽ khó mà thoát được trạng thái này để tự lập.

  • Xin việc thất bại, bỏ việc

Có nhiều người thất bại trong quá trình ứng tuyển rồi trở thành neet. Việc thất bại quá nhiều khiến họ mất đi sự nhiệt tình và trở nên ái ngại cũng như xấu hổ mỗi khi “vác mặt” đi xin vào một nơi làm việc mới.

Bên cạnh đó, có những người đã thành công tìm việc và đi làm tại nơi đó, nhưng trong quá trình làm việc lại có một vài vấn đề diễn ra khiến họ thất vọng và tổn thương thì đây cũng là nguyên nhân trở thành neet.

Có hai loại người mỗi khi gặp thất bại: Một là dù thất bại nhưng vẫn cố hết sức mình và hai là thất vọng, chìm dần và không vực dậy được. Đối với những người thuộc loại số 2, việc tái hòa nhập xã hội là một vấn đề khá rắc rối nên họ sẽ chọn từ bỏ công việc – yếu tố gây áp lực cho họ.

6 đặc điểm chung của neet

6 diem chung cua neet

  • Giao tiếp kém

Với tư cách là người đi làm, là thành viên của xã hội thì kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng hết sức cần thiết. Vậy nên, những người không thể giao tiếp hoặc khó giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên hay khách hàng sẽ gặp kha khá khó khăn khi làm việc.

Họ là những người có xu hướng mắc kẹt trong lớp vỏ của mình, khó bày tỏ và mở lòng. Đây là một vấn đề nan giải của neet nói riêng, của những ai gặp vấn đề về giao tiếp nói chung. Bạn cần phải có sự quyết tâm, nỗ lực cũng như là một chút sự dũng cảm để thay đổi trạng thái hiện có để bước ra khỏi lớp vỏ của mình. Chắc hẳn đây sẽ là quá trình gian nan, nhưng nếu bạn thật sự muốn thay đổi thì bạn sẽ làm được.

giao tiep kem

  • Thiếu tự tin

Những người thiếu tự tin vào bản thân cũng có khả năng trở thành neet.

Nếu lúc nào cũng tự ti, những suy nghĩ của bạn đa phần sẽ có xu hướng tiêu cực và mang tính bác bỏ bản thân, ví dụ: “Cỡ như tôi không thể làm được việc này!”; “Giỏi như anh ta còn làm không được thì nói gì tôi”,v.v..Bạn sẽ không thể toàn tâm toàn ý để hoàn thành công việc. Thay vào đó, bạn luôn lo lắng mình không làm được, sợ trước sợ sau, rồi ảnh hưởng đến việc được phân công đó.

Nếu công việc không thuận lợi, bạn sẽ lại tự đổ lỗi cho chính mình rồi trở nên căng thẳng. Đây chính là một vòng lẩn quẩn mà bạn phải tự thoát ra nếu muốn tìm lại sự tự tin của mình.

thieu tu tin

  • Cái “tôi” cao quá mức cần thiết

Những người có cái tôi cao cũng có nhiều khả năng trở thành neet.

Đây là những người thường không thừa nhận tình trạng hiện tại của mình. Họ có xu hướng tin tưởng và bảo vệ bản thân quá mức đến độ không chịu nhìn nhận lại liệu mình có làm gì sai hay không. Họ sẽ quanh quẩn với suy nghĩ “ắt hẳn phải có việc nào đó tốt hơn dành cho tôi” và đây cũng chính là lí do nhiều người sẽ duy trì mãi trạng thái neet trước khi tìm được việc nào đó đáp ứng được mong muốn của họ.

cai toi cao

  • Vô tư vô lo, phó mặc cho người khác

Những người lạc quan tới mức vô âu vô lo như: “Dù không làm việc, tôi vẫn có thể làm điều gì đó”; “Tôi sẽ nhờ ba mẹ hỗ trợ”; “Tôi vẫn còn trẻ, neet thì có sao”,v.v. là những người có nhiều khả năng trở thành neet.

Lạc quan là tốt, nhưng nên lạc quan sao cho hợp lý, sao cho phù hợp với trạng thái và tình huống xung quanh là một điều hết sức cần thiết. Nếu không chịu làm việc với tinh thần nghiêm túc và sự nhạy bén thì đến bao giờ mới có thể đứng trên đôi chân của mình đây?

  • Không tìm được ý nghĩa công việc

Những người không tìm thấy ý nghĩa của công việc và có suy nghĩ như: “Tôi không tìm được việc tôi muốn làm”; “Tôi sẽ không làm gì cho đến khi tìm được công việc mình muốn làm” thì có nhiều khả năng sẽ trở thảnh neet.

Nếu không thể tìm thấy điều mình muốn làm khi còn trẻ, thì cũng không sao, bạn có thể dành thời gian để tìm ra điều mình thật sự thích và muốn theo đuổi. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu chạm ngưỡng 30 mà vẫn không chịu làm gì thì chắc hẳn bạn chỉ là một người lười mà thôi.

Điều cần chú ý là những người trở thành neet vì lí do này thường có xu hướng giữ nguyên tình trạng neet trong thời gian dài.

  • Mặc cảm và suy nghĩ tiêu cực

suy nghi tieu cuc

Những người có mặc cảm tự ti mạnh mẽ và suy nghĩ tiêu cực có xu hướng tích tụ căng thẳng và có khả năng cao trở thành neet.

Thật ra, trước khi nói những câu như: “Dù có đi làm, tôi chỉ thất bại mà thôi” thì trong đầu họ đã tồn tại suy nghĩ muốn bỏ cuộc rồi. Vì vậy, thời gian thì vẫn trôi và họ vẫn không có bất kỳ hành động nào để thay đổi trạng thái chán chường hiện tại.

Nếu không thay đổi suy nghĩ của mình, trạng thái neet sẽ tồn tại mãi.

Cách thoát khỏi neet

lam sao thoat khoi neet

  • Sống theo giờ giấc của người bình thường

Nhịp sống của neet thường rất thất thường. Nhịp sống này sẽ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và thái độ của bạn, do đó rất khó để tái hòa nhập xã hội. Vì thế, hãy cố gắng sắp xếp nhịp sống sao cho đều đặn và hợp lí, “dậy vào buổi sáng và đi ngủ vào buổi tối”. Chỉ cần điều chỉnh nhịp sống hàng ngày, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về tương lai của mình.

  • Bắt đầu một công việc bán thời gian

Nếu bạn cảm thấy việc trở thành nhân viên chính thức quá đột ngột, hãy bắt đầu với một công việc bán thời gian mà lượng công việc cố định và bạn có thể làm việc thoải mái. Nếu làm công việc bán thời gian, bạn có thể dần thích ứng với cuộc sống làm việc và phục hồi sau khoảng thời gian trống không không làm gì khi bạn là neet. Cứ thế, dần dần bạn sẽ có thể quay trở lại với xã hội.

Tùy thuộc vào công việc bán thời gian, một số công ty có hệ thống cho phép được thăng chức thành nhân viên chính thức, và trong một số trường hợp, bạn có thể trở thành nhân viên chính thức mà không cần phải kiếm việc làm.

Vì gánh nặng tìm kiếm việc làm vốn là một bức tường lớn của neet nên sau khi chúng được loại bỏ, tinh thần của bạn sẽ thảnh thơi hơn.

  • Nhận dịch vụ hỗ trợ tìm việc làm

Nếu bạn lo lắng một mình mình không thể kiếm việc làm, bạn có thế sử dụng dịch vụ hỗ trợ tìm việc làm. Họ sẽ giới thiệu công việc phù hợp với bạn, tạo CV và thậm chí là hỗ trợ bạn chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn.

  • Đat được bằng cấp

Nếu có một bằng cấp trong tay, bạn có thể chứng minh rằng mình có các kỹ năng và kiến ​​thức liên quan đến bằng cấp đó. Nhờ vậy, việc tìm kiếm việc làm sẽ thuận lợi hơn. Bạn có thể bày tỏ sự nhiệt tình của mình đối với công việc muốn xin và có thể chia sẻ rằng trong khi neet (không có việc làm), bạn đã dành thời gian để nghiên cứu và học tập để nâng cao trình độ.

Vì giai đoạn và mức độ khó khăn để đạt được mỗi bằng cấp là khác nhau, nên hãy lựa chọn một bằng cấp có độ khó thấp hơn để có thể nhận được ngay cả ở trạng thái hiện tại. Nếu bạn hướng đến bằng cấp có độ khó cao thì chắc chắn bạn phải dành nhiều thời gian hơn và phải chấp nhận rủi ro là có khả năng mình sẽ không đạt được nó.

  • Hiểu những rủi ro khi ở trạng thái neet trong một thời gian dài

Càng ở trong trạng thái neet lâu, bạn càng khó thoát khỏi nó để tái hòa nhập với xã hội. Vì thế, trước hết bạn phải hiểu được rủi ro này và có suy nghĩ thoát khỏi trạng thái hiện tại càng nhanh càng tốt cũng như quyết định không sống một cách vô công rồi nghề nữa và bắt đầu kiếm cho mình một công việc gì đó để làm.

Có thể công việc đó sẽ không được y như bạn mong muốn, nhưng mỗi công việc chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm và kinh nghiệm khác nhau. Thông qua quá trình đó, bạn sẽ càng xác định được rõ ràng là mình phù hợp với cái gì và thích làm gì hơn.

>>Xem thêm: Wibu là gì? Đặc điểm của Wibu

Trên đây là những thông tin về neet Daruma xin chia sẻ với bạn. Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ có được những thông tin hữu ích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *