Đối với những bạn hay đọc manga và xem anime Nhật Bản, có lẽ các bạn không quá xa lạ gì với những danh từ như “Tsundere” hoặc “Yandere”. Tuy nhiên, nếu các bạn chưa hiểu Yandere là gì thì chần chừ gì nữa, hãy đọc bài viết dưới đây.
Trong bài viết này, Daruma sẽ giải thích ý nghĩa của từ Yandere và giới thiệu 5 kiểu người cũng như 10 hành động đặc trưng của Yandere nhé!
>>Bài viết liên quan: Tsundere là gì?
Tóm tắt nội dung
- 1 Yandere là gì?
- 2 Một nhân vật anime yandere
- 3 Sự khác biệt giữa Yandere và Menhera
- 4 5 kiểu người Yandere
- 5 10 hành vi đặc trưng của Yandere
- 5.1 1. Làm theo tất cả những gì đối phương nói.
- 5.2 2. Không cho phép người yêu có bạn khác giới.
- 5.3 3. Thái độ giữa người mình yêu và những người khác là khác nhau.
- 5.4 4. Gửi tin nhắn hoặc gọi điện vào ban đêm
- 5.5 5. Thay đổi đáng kể để đối phương thích mình
- 5.6 6. Phụ thuộc vào mạng xã hội, điện thoại
- 5.7 7. Viết tin nhắn như viết sớ
- 5.8 8. Tin vào phép thuật và những chuyện tâm linh
- 5.9 9. Thu thập tất cả thông tin (stalk) người mình yêu
- 5.10 10. Nguyền rủa đối phương khi bị từ chối
Yandere là gì?
Yandere được kết hợp từ 2 từ “yamu (=病む)” và “dere (デレ). Đây là một từ dùng để chỉ những nữ giới và nam giới dành tình yêu quá mãnh liệt cho người họ yêu và tinh thần bất ổn.
Khi ở trong tình trạng yandere, họ có xu hướng đặt nặng cuộc tình của mình, coi nó là tất cả của cuộc sống. Hơn nữa, nếu đối phương không đáp lại tình cảm của họ, những người Yandere sẽ nghĩ rằng, “có lẽ bị ghét rồi” và “tại sao lại không đáp lại tình cảm của tôi chứ?” rồi từ đó mà tâm lý càng bất ổn hơn.
Một nhân vật anime yandere
Các nhân vật Yandere nổi tiếng trong anime bao gồm Yuno Gasai, nữ anh hùng trong anime “Miku Nikki” và Shion Sonozaki, xuất hiện trong “Higurashi no naku koronni”. Nếu bạn thắc mắc không biết thế nào là Yandere thì có thể xem thử hai bộ anime này để hiểu rõ hơn nhé.
>>Xem thêm: Top siêu phẩm anime kinh điển
Sự khác biệt giữa Yandere và Menhera
Menhera là một từ lóng bắt nguồn từ “sức khỏe tâm thần” (tiếng Nhật: Mentaru Herusu). Nó đề cập đến trạng thái mà một người muốn nhiều người quan tâm chăm sóc mình để thỏa mãn được những mong muốn của bản thân, chỉ trạng thái cứ liên tục tìm kiếm tình yêu rồi cảm xúc lại trở nên bất ổn. Ngoài ra, nếu người đó không nhận được những gì mình mong muốn thì sẽ trở nên tuyệt vọng và không ổn định về mặt tình cảm.
Theo định nghĩa trên, dù trong “Menhera” có chứa “dere” hay không thì ý nghĩa cũng đã khác hẳn “Yandere” rồi.
5 kiểu người Yandere
Người ta cho rằng, Yandere được chia thành nhiều loại, dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu về 5 kiểu Yandere phổ biến nhất.
1. Kiểu phụ thuộc
Đây là kiểu phụ thuộc vào người yêu hoặc người mình yêu.
Trung tâm thế giới của họ chỉ xoay quanh người họ yêu. Họ có xu hướng làm tất cả và gần như không từ chối bất kì yêu cầu nào của đối phương. Và khi có người mình thích, kiểu người này chỉ hận không được gần đối phương 24/24, họ cố gắng liên lạc gần như mọi lúc để hỏi han người kia. Và nếu không được hồi đáp, họ sẽ trở nên lo lắng và hoảng loạn.
Để cụ thể hơn, thì kiểu người này thường có những câu cửa miệng như: “Tôi ghét việc anh ấy không ở cạnh mình”, “Tôi sẽ phát bệnh/ phát điên nếu anh ta không trả lời điện thoại/ tin nhắn của tôi.”
2. Kiểu độc chiếm
Đây là kiểu muốn chiếm hữu người yêu hoặc người mình yêu và có xu hướng cá nhân hóa đối phương.
Họ có lòng ghen tuông rất lớn và không thể chịu được khi bên cạnh đối phương là ai đó không phải mình. Họ muốn kiểm soát người mình yêu và sẽ nổi giận khi thấy người kia thân cận hoặc gần gũi với ai khác. Nói tóm lại, khi đã yêu ai đó, kiểu yandere này có xu hướng ràng buộc, kiểm soát và cá nhân hóa đối phương.
Để cụ thể hơn, thì kiểu người này thường có những câu cửa miệng như: “Tôi không thể chịu được khi người yêu gần gũi với người khác!”
3. Kiểu ảo tưởng
Đây là kiểu người càng yêu lại càng hoang tưởng, tất nhiên là theo nghĩa tiêu cực.
Kiểu yandere này rất hay suy nghĩ và thường nghĩ quá mọi chuyện. Họ sẽ có những lo lắng như: “Tại sao anh ấy không liên lạc với mình? Anh ấy đã có người khác!”, “Hôm nay anh ấy đi làm sớm hơn. Anh ấy đang tán con nào?”,.. chẳng hạn vậy.
Thật ra, chuyện lo lắng như vậy khi yêu đương là rất dễ hiểu, tuy nhiên, nếu bất kì lúc nào bạn cũng suy nghĩ, lo lắng rồi “làm phong phú” thêm những ảo tưởng của mình thì đây chắc chắn không phải điều tốt.
Vì vậy, nếu bạn đã có những điều giống như chúng tôi đã nói trên thì có lẽ trong bạn có một chút yandere đấy!
4. Kiểu tôn thờ
Đây là kiểu người tôn thờ người mình yêu, thậm chí là thờ cúng đối phương.
Đây cũng là một trong những yếu tố khiến kiểu yandere này có hứng thú với những người có máu S (Sadism), vì họ có xu hướng thích nghe theo đối phương vô điều kiện. Do đó, trong nhiều trường hợp, bằng cách nào đó, mối quan hệ SM giữa hai bên đã được thiết lập.
Để cụ thể hơn thì kiểu Yandere này có những suy nghĩ như: “Anh ấy luôn đúng”, “Anh ấy là tuyệt nhất, không ai có thể tuyệt bằng anh ấy”,…
5. Kiểu tấn công
Có lẽ đây là kiểu Yandere đáng sợ nhất trong 5 loại. Như bạn đã đọc phân loại ở tiêu đề, đây là kiểu người thuộc phái hành động. Thay vì ngồi một chỗ lo lắng đối phương có yêu mình không, có phản bội mình không, họ sẽ đứng dậy và tìm hiểu.
“Tìm hiểu” ở đây đôi khi còn mang theo nghĩa tiêu cực. Đó là họ sẽ theo dõi động tĩnh của bạn mọi lúc, đi theo bạn về nhà, rình mò những chuyện xung quanh bạn,…
Vì tình cảm họ dành cho đối phương rất lớn, nên nhiều khi phản tác dụng, họ sẽ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ sẽ đổ hết lỗi lầm cho đối phương, thậm chí là tấn công người đó.
10 hành vi đặc trưng của Yandere
1. Làm theo tất cả những gì đối phương nói.
Yandere có xu hướng làm theo bất cứ điều gì đối phương muốn vì sợ người yêu không yêu hoặc ghét mình.
Khi đối phương nói: “Anh muốn gặp em” thì cho dù đang dở dang việc gì, họ cũng sẽ gác lại chúng và chạy đến chỗ người yêu. Tuy nhiên, trong tình yêu, nếu có được quá dễ dàng và người kia quá nghe lời thì nhiều người sẽ cảm thấy mối quan hệ đó nhàm chán. Do đó, có trường hợp dẫn đến chia tay.
Chính vì vậy, đối với Yandere nói riêng, và những người đang trong một mối quan hệ nói chung, việc giữ được chính kiến của mình và không quá phụ thuộc vào đối phương là một điều quan trọng cần chú ý.
2. Không cho phép người yêu có bạn khác giới.
Yandere luôn muốn người mình yêu chỉ nhìn mỗi mình và không chấp nhận trong mối quan hệ của hai người tồn tại một bên thứ ba gọi là “bạn khác giới”.
Hiện nay, trên mạng lan truyền rất nhiều những video mà các bạn nam có những cô bạn khác giới có những hành động vượt trên mức tình bạn. Đối với trường hợp như vậy, hoàn toàn bình thường nếu bạn cảm thấy khó chịu và có mong muốn người yêu tránh xa những cô bạn đó ra.
Tuy nhiên, trước khi đi đến kết luận, chúng ta phải xem xét cho rõ ràng. Xem xét thử xem người bạn khác giới đó có đúng mực với người yêu mình hay không rồi hãy phán xét. Và thông thường Yandere không đủ bình tĩnh để đi bước này. Đơn giản là họ có tính chiếm hữu rất lớn với người mình yêu và không chấp nhận sự có mặt của những người khác.
Đáng buồn thay, điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy tù túng, từ đó khiến mối quan hệ bất hòa, và Yandere sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và tình trạng cảm xúc lại trở nên bất ổn.
3. Thái độ giữa người mình yêu và những người khác là khác nhau.
Đối với người họ thích, họ sẽ nhiệt tình đối đãi, luôn tươi cười và lắng nghe đối phương. Tuy nhiên lại có thể hoàn toàn vô cảm và không phản ứng với những người khác.
Điều này đôi khi sẽ khiến Yandere bị xa cách, bởi để lại cho những người xung quanh ấn tượng không gần gũi và khiến người ta không thoải mái. Đơn giản là vì trong thế giới của Yandere, ngoài người họ yêu ra thì không còn ai khác.
4. Gửi tin nhắn hoặc gọi điện vào ban đêm
Yandere nghĩ về người yêu mình mọi lúc. Do đó, một khi cảm thấy lo lắng, họ sẽ trằn trọc không ngủ được, và rồi liên tục gửi tin nhắn, gọi điện cho người yêu hoặc bạn bè để tìm kiếm sự an toàn, cho dù lúc đó là ban đêm với những câu hỏi như: “Anh đang làm gì?”,…
Bằng cách này, họ có thể giảm bớt được sự lo lắng của bản thân. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ trường hợp đối phương cảm thấy bị làm phiền bởi những tin nhắn và cuộc gọi của họ.
>>Xem thêm: Chúc ngủ ngon trong tiếng Nhật
5. Thay đổi đáng kể để đối phương thích mình
Để người mình yêu hoặc người yêu thích mình, Yandere sẽ đi tìm hiểu về gu của đối phương rồi thay đổi bản thân giống y như vậy. Vì thế, nếu thích ai đó, kiểu tóc cũng như cách ăn mặc của họ sẽ thay đổi đáng kể so với ban đầu chỉ với mục đích làm vui lòng đối phương.
6. Phụ thuộc vào mạng xã hội, điện thoại
Hầu hết Yandere đều nghiện điện thoại và mạng xã hội. Khi cảm thấy lo lắng, họ có xu hướng viết ra những nỗi bất an trong tình yêu của mình lên mạng xã hội, chẳng hạn như “Lại không liên lạc!”, “Tôi quá buồn vì bị seen.”
Việc có mong muốn bày tỏ nỗi lòng của mình là một chuyện đương nhiên, nhưng phụ thuộc vào internet, mạng xã hội hay điện thoại thì đối với bất kì người nào cũng không tốt.
7. Viết tin nhắn như viết sớ
Tình yêu của Yandere với đối phương rất mạnh mẽ, nên tin nhắn thường có xu hướng dài lê thê để thể hiện sự si mê, nhung nhớ cũng như quan tâm của mình đến đối phương.
Thông thường, những tin nhắn quá dài sẽ khiến người đọc cảm thấy áp lực, hoặc đơn giản là vì quá dài nên họ lười đọc. Vì lẽ đó, Yandere đã đánh mất sự cân bằng trong tình yêu.
8. Tin vào phép thuật và những chuyện tâm linh
Có nhiều yandere yêu thích những chuyện tâm linh, vì vậy có thể họ sẽ đến thăm những địa điểm tâm linh. Điều này là vì họ muốn làm bất cứ điều gì để có thể kết nối mình với đối phương. Chỉ vì lo lắng không biết đối phương có yêu mình hay không, mà họ sẵn sàng thử mọi cách để kết nối đôi bên, thậm chí là bỏ bùa.
9. Thu thập tất cả thông tin (stalk) người mình yêu
Hơn bất kì ai, Yandere muốn biết tất cả thông tin về người yêu cũng như người mình yêu.
Vì vậy, họ sẽ kiểm tra điện thoại, các tin nhắn, nhật ký hoạt động của đối phương mọi lúc và nghiên cứu xem người kia đang làm gì và quan tâm đến điều gì. Ngoài ra, nếu đối phương có bạn, họ cũng sẽ tìm kiếm mọi thứ về người đó.
Có thể họ biết hành động mình làm không hay cho lắm nhưng đơn giản là họ không thể kiềm được mong muốn muốn biết đối phương đã và đang làm gì và nếu không thể làm điều đó thì họ sẽ trở nên bồn chồn, lo lắng.
10. Nguyền rủa đối phương khi bị từ chối
Vì dành nhiều tình cảm cho người mình yêu, nên một khi bị từ chối lời tỏ tình, bị đá thì phản ứng của họ thường có xu hướng là cực kì mãnh liệt. Tình yêu đôi khi có thể biến thành thù hận và họ bắt đầu đổ lỗi cho đối phương. Nếu không làm như vậy, họ sẽ không thể vượt qua được cú sốc khi bị từ chối.
Lời nhắn gửi
Nhìn chung, khi yêu một ai đó, chúng ta sẽ có ít nhất 1 trên 10 hành động tôi đã nêu trên. Tuy nhiên, bất cứ chuyện gì cũng có mức độ từ nhỏ đến lớn, từ ít nghiêm trọng đến cực kì nghiêm trọng. Nếu bạn không phải là Yandere thì những hành vi tôi liệt kê trên sẽ nằm ở mức độ bình thường, có thể hiểu và chấp nhận, nhưng đối với Yandere thì phải nhân lên 5 hoặc 10 lần vì sự cực đoan trong cách thể hiện tình yêu của họ.
Nếu yêu một Yandere, bạn sẽ không phải lo lắng về tình cảm đối phương, vì họ coi bạn là cả thế giới. Tuy nhiên, họ cũng đòi hỏi ở bạn một “sự chung thủy” tuyệt đối. Nếu bạn không thể đáp ứng điều này, tôi không dám tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ không kiểm soát được tâm trạng của mình.
Nếu bạn phát hiện mình đang theo chiều hướng hơi Yandere và không biết phải làm gì thì tôi có lời khuyên dành cho bạn. Đó là hãy tìm kiếm một sở thích khác, hoặc một điều gì đó làm bạn quan tâm ngoại trừ tình yêu. Thông qua việc đặt sự quan tâm vào điều khác, tâm trí bạn sẽ không còn tập trung vào tình yêu, và từ đó có thể dần dần cân bằng tình yêu và cuộc sống bạn.
Tóm lại, dù bạn không phải Yandere, hơi Yandere hay là Yandere thì mong rằng bạn đừng vì tình yêu mà đánh mất bản thân mình. Mỗi người là một cá thể đặc biệt từ khi được sinh ra, nếu vì người khác mà thay đổi triệt để bản thân thì ai sẽ hiểu cho công sức của bạn ngoài bạn đây?